10 phát ngôn cần tránh sử dụng nơi công sở
Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng phong thái chuyên nghiệp, tự tin nơi công sở. Các chuyên gia cho rằng có ba yếu tố quan trọng tạo nên hình tượng dẫn đầu của các cá nhân nổi bật: Họ hành động thế nào?, Họ trông ra sao?, Họ nói những gì?
Liệu bạn đã có nhận thức đúng đắn về những phát ngôn của bản thân? Có thể bạn chưa biết, nhưng một vài câu nói vô tình sẽ khiến bạn trở nên lép vế so với người đối diện, hay tệ hơn nữa là gây mất hòa khí trong giao tiếp. Hãy luôn cư xử hài hòa vì biết đâu những cơ duyên nghề nghiệp thú vị trong tương lai lại nằm trong từng cuộc đối thoại đơn giản hàng ngày.
Cùng CareerBuilder.vn tham khảo 10 phát ngôn bạn không bao giờ nên dùng đến để hình ảnh bản thân trong mắt cấp trên, đồng nghiệp luôn uyển chuyển và thật chuyên nghiệp.
1. “Điều này nghĩa là gì?”
Có thể bạn chỉ dùng câu nói trên để tìm thêm gợi ý cho vấn đề mình chưa nắm rõ, tuy nhiên đây là một câu nói mang sắc thái khá tiêu cực. Người nghe sẽ cảm thấy bạn thật sự không có thiện chí muốn tìm hiểu vấn đề. Hãy thay thế bằng câu: “Bạn có thể nói rõ ý kiến của mình hơn không?” – chắc chắn cuộc trò chuyện sẽ trở nên cởi mở và thân thiện hơn nhiều lần.
2. “Thật không công bằng”
Cứ mãi phàn nàn về việc bạn thấy mình bị đối xử bất công ra sao cũng không thể làm tình hình trở nên khá khẩm, nếu không muốn nói là hoàn toàn có thể tệ hơn. Khi đề cập đến bất kì vấn đề dù xoay quanh công việc hàng ngày, hay vĩ mô hơn là tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo trong cùng một quốc gia; hành động kêu ca sẽ chỉ làm bạn trở nên kém tự tin, ù lì dặm chân tại chỗ chỉ vì luôn mang tâm lý ganh tị, bực dọc.
3. "Đây không phải là trách nhiệm của tôi”
Mỗi cá nhân đều được phân chia công việc nhất định, thật hoàn hảo nếu bạn chỉ cần thực hiện toàn bộ công việc được giao với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc. Dù vậy, chắc hẳn không ít lần bạn vẫn phải “choàng” cả công việc của đồng nghiệp. Những lúc này đây hãy cân nhắc từng nhiệm vụ và thái độ cư xử một cách phù hợp, bởi vì khi xét đến kết quả cuối cùng, trách nhiệm là chia đều cho mọi người trong sự thành công lẫn thất bại của toàn bộ dự án.
4. “Chỉ là”
“Tôi chỉ muốn kiểm tra liệu rằng…”, “Tôi chỉ là đang nghĩ xem liệu việc này…”
Cụm từ “chỉ là” được thêm thắt vào cuộc hội thoại với mục đích làm giảm nhẹ sự gai góc trong câu nói, tuy nhiên sử dụng cách nói trên mặt khác sẽ khiến ý kiến của bạn trở nên dè dặt, kém thuyết phục. Trong bất cứ tình huống nào, ý kiến cá nhân là điều rất đáng được hoan nghênh, vì vậy hãy thể hiện một chút uy lực khi nói lên suy nghĩ của bản thân, điều này hoàn toàn có lợi cho bạn!
5. "Tôi thật sự không thể tìm đâu ra thời gian!”
Bạn nghĩ bao nhiêu người sẽ tin vào lời biện hộ này? Đối với một công việc chưa được hoàn thành, dù thật sự bạn không có thời gian hay cũng có thể bạn đã quên bẵng đi mất, phương án trả lời tốt nhất chắc chắn không phải “đổ lỗi” tại hoàn cảnh! Khi được hỏi về công việc đã được giao, hãy đưa ra thời gian cụ thể bạn sẽ hoàn thành một cách khéo léo thay vì giải thích vòng vo về sự chậm trễ của bản thân.
6. “Không phải trách nhiệm của tôi. Tôi đã gửi email từ một tuần trước!”
Việc bạn gửi email không có nghĩa là trách nhiệm của bạn đã chấm dứt. Khi đối tượng nhận email chưa trả lời sau vài ngày, việc đổ lỗi cho họ sẽ không làm hình ảnh của bạn tốt lên thêm. Vì sao không chủ động liên hệ qua giao tiếp trực tiếp hay một lời nhắc nhở bỏ nhỏ qua điện thoại? Ngoài việc luôn giữ được vai trò chủ động trong công việc, chắc chắn không ai có thể đổ lỗi cho bạn khi công việc đình trệ.
7. “Tôi ghét phải..." hay “Thật là khó chịu khi...”
Cẩn trọng trong việc thể hiện cảm xúc bực dọc tại môi trường công sở là điều luôn cần chú ý. Sử dụng các câu nói mang tính chất nóng nảy, đặc biệt là khi bạn nhắm đến trực tiếp một đối tượng, một công việc nào đó không chỉ tạo một hình ảnh thiếu chín chắn mà còn là “mồi lửa” dẫn đến nhiều mâu thuẫn khó giải quyết.
8. "Đáng lẽ ra bạn nên...”
Không ai cảm thấy thoải mái khi bị “chỉ tay điều khiển”. Câu nói trên thực sự gây nên cảm giác khó chịu cho người nghe! Thay vào đó, hãy thử thay đổi: “Trong tương lai, tôi có ý kiến chúng ta nên…” Đây là một câu nói mang tính tích cực hơn rất nhiều.
9. "Xin lỗi, nhưng...”
Hãy xin lỗi khi cảm thấy thật sự có lỗi và ái ngại về những gì bản thân đã gây ra. Việc giải thích, kể lể lý do sẽ khiến lời xin lỗi trợ nên không thành thật và tạo cảm giác bạn đang rất khó chịu khi phải nhận rằng mình đã sai.
10. "Thật ra thì..."
“Thật ra thì mọi chuyện là thế này cơ”, “Thật ra thì đáng lẽ bạn nên biết đến cách giải quyết này”, v.v… Bạn có thấy rằng cách nói chuyện này khá xa lạ? Hơn cả thế, dường như bạn đang cố nói cho người đối diện biết được rằng ý kiến của họ đã sai “rành rành”. Hãy thử góp ý bằng một câu nói tích cực và thân thiện hơn, ý kiến của bạn có lẽ sẽ được chào đón một cách nồng nhiệt!
Nguồn: CareerBuilder.vn
Rất nhiều nội dung mới hấp dẫn đang chờ đợi bạn. Hãy tham gia Talent Network của Vinasoy ngay hôm nay để được cập nhật thường xuyên các bài viết hữu ích về Khởi nghiệp.