Vinasoy tuyên bố không dùng đậu nành biến đổi gen
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy cho biết, 18 năm qua, doanh nghiệp sử dụng 100% đậu nành chọn lọc không biến đổi gen để sản xuất các sản phẩm bán ra trên thị trường. Đơn vị này dùng khoảng 80% đậu nành trong nước. 20% còn lại nhập khẩu từ Canada và tất cả lô hàng đều có chứng nhận không biến đổi gen.
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy khẳng định không dùng đậu nành biến đổi gen trong sản xuất sữa.
Vùng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên mà công ty hợp tác cùng nông dân hiện có trên 8.000 ha. Theo ông Tụ, do thổ nhưỡng khu vực Tây Nguyên thích hợp trồng đậu nành nên hạt đậu nành trồng tại đây có hương vị đặc trưng, được người tiêu dùng ưa thích.
Vinasoy đang tập trung đầu tư, cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước ứng dụng công nghệ cao để giúp bảo toàn giống, chọn và lai tạo giống riêng có tại vùng nguyên liệu này. Dự kiến vào năm 2018 sẽ cho ra mắt giống mới có năng suất cao hơn, thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên bản địa, kháng hạn, kháng úng, cải thiện protein, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Giống mới này kết hợp với giải pháp đồng bộ về phương pháp canh tác, cơ giới hóa sẽ mang lại năng suất khoảng 3 tấn trên một ha, gấp đôi hiện tại.
Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu, hạt đậu nành ở Tây Nguyên cho giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc trưng.
Nhiều nước trên thế giới công nhận và cho lưu hành sản phẩm biến đổi gen, trong khi một số nước cấm sử dụng vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Tại Việt Nam, thực phẩm biến đổi gen được sử dụng gần 20 năm nay nhưng không dán nhãn đầy đủ khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc nhận diện.
"Với tôn chỉ kinh doanh xuyên suốt 18 năm qua là mang lại cho cộng đồng những sản phẩm tốt nhất có nguồn gốc từ đậu nành thiên nhiên, chúng tôi chỉ chọn đậu nành không biến đổi gen làm nguyên liệu sản xuất", ông Tụ chia sẻ.
Lãnh đạo công ty cho biết thêm, mỗi sản phẩm có yêu cầu riêng về hương vị và dinh dưỡng nên cần nhiều loại đậu nành khác nhau. Do đậu nành trong nước chưa đáp ứng hết các yêu cầu trong sản xuất nên công ty vẫn phải nhập khẩu.
Hiện giá một kg đậu nành nhập ngoại rẻ hơn trong nước 4.000-5.000 đồng, song ông Tụ cho biết chỉ nhập số lượng hạn chế để giải quyết bài toán ngắn hạn, chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu từ Tây Nguyên do nơi đây cho ra hạt có giá trị dinh dưỡng tốt nhất cả nước.
Vinasoy phối hợp với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước để bảo toàn giống, chọn và lai tạo giống riêng tại vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên.
Nhờ nguồn đạm dồi dào và nhiều vi chất thiết yếu, đậu nành được hơn 13 nước khuyến nghị đưa vào tháp dinh dưỡng quốc gia. Việt Nam tiêu thụ sữa đậu nành đứng thứ 3 thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam khảo sát năm 2014. Mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 1,5 triệu lít sữa đậu nành, trong đó hơn 32% là sản phẩm đóng hộp. Vinasoy chiếm 82,7% thị phần, tăng 49% so với 2013.
Hết quý III, Vinasoy đã hoàn thành ba phần tư các chỉ tiêu đề ra và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu gần 4.000 tỷ đồng cho cả năm nay.
"Với mức tăng trưởng hàng năm luôn ở 2 con số, chúng tôi đang nhắm tới các mốc cao hơn, trước mắt là việc khởi công nhà máy công suất 180 triệu lít sữa đậu nành mỗi năm ở Bình Dương để hướng tới mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020", ông Tụ chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 8, Vinasoy đầu tư 1.300 tỷ đồng nâng công suất nhà máy sữa đậu nành ở Bắc Ninh lên 180 triệu lít sữa mỗi năm, và vào top 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới theo thống kê của Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển). Sữa đậu nành Fami của Vinasoy mới đây đã lọt vào top 4 thương hiệu thành công trên thị trường Việt Nam, được vinh danh trong báo cáo Asia Brand Power 2015 (sức mạnh thương hiệu ở khu vực châu Á) của công ty nghiên cứu thị trường Kantar toàn cầu.
Năm 2014, cả nước nhập khẩu trên một triệu tấn hạt đậu nành, trong đó có cả đậu nành biến đổi gen của các nước Mỹ, Canada... Sản phẩm được nhập khẩu về để chế biến dầu ăn, đậu phụ, sữa đậu nành và một số sản phẩm chế biến khác.